Bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm bởi các tổn thương nghiêm trọng do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Đây là một căn bệnh lây lan nhanh chóng, đặc biệt trong môi trường thiếu vệ sinh và điều kiện sống chật chội. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh bạch hầu qua bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae. Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae có 3 type:

  • Gravis
  • Mitis
  • Intermedius.

Vi khuẩn có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhầy bao quanh cơ thể, vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày, thậm chí là vài tuần. Dưới ánh sáng mặt trời, vi khuẩn sẽ chết sau vài giờ, ở nhiệt độ 580C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút.

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây bệnh bạch hầu
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây bệnh bạch hầu

Vi khuẩn này lây truyền qua các giọt bắn nhỏ từ người nhiễm bệnh khi họ ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Ngoài ra, tiếp xúc trực tiếp với đồ vật bị nhiễm khuẩn cũng có thể gây lây nhiễm.

Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh bạch hầu:

  • Tuổi: Trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người lớn trên 60 tuổi.
  • Chưa tiêm phòng vắc xin.
  • Môi trường sống không đảm bảo vệ sinh
  • Hệ thống miễn dịch yếu như bệnh nhân ung thư, nhiễm HIV, bệnh mạn tính như suy gan, suy thận…

Triệu chứng của bệnh bạch hầu

Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường bắt đầu từ 2 đến 5 ngày sau khi bị nhiễm. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đau họng và khàn giọng.
  • Sốt nhẹ và ớn lạnh.
  • Khó nuốt và khó thở.
  • Hạch bạch huyết sưng to ở cổ.
  • Xuất hiện màng giả màu xám trắng trên amidan và họng.

Tùy vào vị trí vi khuẩn gây bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau.

  • Bệnh bạch hầu mũi trước: Người bệnh sổ mũi, chảy ra chất mủ nhầy đôi khi có máu, có màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
  • Bệnh bạch hầu họng và amidan:
    • Người bệnh mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ.
    • Sau 2-3 ngày xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng.
    • Có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò ở một số người.
    • Trường hợp nhiễm độc nặng: phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, những bệnh nhân này có thể tử vong trong vòng 6 – 10 ngày.
  • Bạch hầu thanh quản: Là thể bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm. Người bệnh sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc có thể gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.
Triệu chứng bệnh bạch hầu
Triệu chứng bệnh bạch hầu

Ở một số người, nhiễm vi khuẩn bạch hầu chỉ gây ra các triệu chứng bệnh nhẹ hoặc không có dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng nào. Những người bị nhiễm bệnh nhưng vẫn không biết về căn bệnh của mình được gọi là người mang bệnh bạch hầu do họ có thể lây truyền bệnh cho cộng đồng mà không có triệu chứng bị bệnh.

Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu

Để phòng ngừa bệnh bạch hầu, tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất. Tại Việt Nam hiện nay không có vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ có vắc xin những vắc xin dạng phối hợp.

  • Trong Chương trình Tiêm chủng quốc gia:
    • Vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – Hib – viêm gan B (DPT-VGB-Hib): tiêm cho trẻ từ 2 – 24 tháng tuổi
    • Vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván: tiêm khi trẻ 16 – 18 tháng tuổi
  • Vắc xin dịch vụ, bao gồm:
    • Vắc xin 6 trong 1 Hexaxim (Pháp) hoặc Infanrix Hexa (Bỉ) phòng 6 bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt – Hib – Viêm gan B: tiêm cho trẻ từ 2 – 24 tháng tuổi.
    • Vắc xin 4 trong 1 Tetraxim (Pháp) phòng bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt: dành cho đối tượng từ 2 tháng tuổi đến 13 tuổi, đặc biệt là tiêm nhắc khi trẻ 4-6 tuổi đối với những trẻ không tiêm 5 trong 1 hoặc 6 trong 1.
    • Vắc xin Adacel (Pháp), Boostrix (Bỉ) phòng 3 bệnh Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà: đối với trẻ trên 4 tuổi và người lớn, thường được khuyến cáo tiêm nhắc mũi vắc xin này mỗi 10 năm một lần. Vắc xin Boostrix còn được sử dụng cho thai phụ từ 27-36 tuần thai.
Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất
Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất

Ngoài ra, cần duy trì vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

Điều trị bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu cần được điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm. Phác đồ điều trị thường bao gồm:

  • Thuốc kháng độc tố bạch hầu (SAD – Serum Antitoxin Diphtheria)

Thuốc chủ yếu được làm từ huyết thanh ngựa. Do đó, cần thử test trong da trước để phát hiện quá mẫn, có thể bị phản vệ nặng với huyết thanh ngựa trong kháng độc tố và phải trong tư thế sẵn sàng điều trị sốc phản vệ.

SAD cần phải được dùng sớm ngay từ khi nghi ngờ bệnh. Tỷ lệ tử vong giảm dưới 1% nếu điều trị SAD ngay trong ngày đầu tiên và tăng lên 20 lần nếu điều trị muộn vào ngày 4. SAD chỉ trung hoà được độc tố lưu hành trong máu, chứ không trung hoà được độc tố đã gắn vào tổ chức.

Liều lượng SAD thay đổi từ 20.000 – 100.000 đơn vị, tuỳ theo mức độ của tình trạng nhiễm độc, vị trí, kích thước của màng giả, thời điểm dùng thuốc sớm hay muộn. Thuốc được dùng một lần duy nhất bằng đường truyền tĩnh mạch trong 30 – 60 phút (hoặc tiêm bắp).

    • Thể nhẹ, giả mạc chỉ ở họng, da, chưa có biến chứng, điều trị sớm trước 48h: 20.000 đến 40.000IU
    • Thể trung bình, giả mạc lan ra mũi: 40.000 đến 60.000IU
    • Thể nặng, có biến chứng, điều trị muộn sau 72 giờ: 80.000 đến 100.000IU
  • Kháng sinh
    • Penicillin G: 100.000 – 150.000 UI/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch chia 4 lần x 7 ngày.
    • Procain penicillin: 25 – 50.000 UI/kg/ngày, chia 2 lần tiêm bắp sâu.
    • Erythromycin 1,5g/24h, trẻ em 40 – 50 mg/kg/24h (tối đa 2g/24h) uống hoặc Clarithromycin, Azithromycin x 14 ngày
  • Điều trị hỗ trợ như truyền dịch và duy trì đường thở
    • Liệu pháp oxy: Được chỉ định khi bắt đầu có tắc nghẽn đường thở.
    • Mở khí quản/đặt nội khí quản: Khi có dấu hiệu của tắc nghẽn đường thở hoàn toàn như thở rút lõm ngực nặng và bứt rứt. Đặt nội khí quản qua miệng là thủ thuật thay thế, nhưng có thể làm bong tróc giả mạc và không thể giải phóng tắc nghẽn
    • Cần theo dõi tình trạng của trẻ, đặc biệt là tình trạng hô hấp, cần được đánh giá bởi điều dưỡng mỗi 3 giờ và bởi bác sĩ 2 lần/ngày. Trẻ nên được đặt nằm gần phòng điều dưỡng, để có thể phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu tắc nghẽn đường thở nào ngay khi dấu hiệu mới chớm nặng lên.

Bệnh bạch hầu là một bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Hãy tiêm phòng đầy đủ và duy trì các biện pháp vệ sinh cá nhân để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi bệnh bạch hầu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *